Ngày 30/09/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024.
Điểm mới trong Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN về Sở hữu Công nghiệp
Trong đó, Thông tư trên đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN về hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP như sau:
- Hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp) được hiểu là việc cung cấp thông tin chỉ dẫn gây hiểu sai lệch rằng đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mặc dù không được hoặc chưa được bảo hộ, kể cả trường hợp đối tượng đó đã nộp đơn đăng ký nhưng chưa được cấp văn bằng bảo hộ hoặc văn bằng bảo hộ đã bị hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời hạn bảo hộ tại thời điểm thực hiện việc chỉ dẫn lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, bao gồm:
+ Gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như: “nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền”, “nhãn hiệu được bảo hộ”, “nhãn hiệu thuộc độc quyền của...” hoặc chỉ dẫn có ý nghĩa tương tự, kể cả việc sử dụng ký hiệu “®” (chỉ dẫn về việc nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam). Trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu “®” mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
+ Gắn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh chỉ dẫn gây hiểu sai lệch về việc hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp như: “sản phẩm được bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp; “sản phẩm được bảo hộ độc quyền sáng chế”; “sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ sáng chế của...” hoặc chỉ dẫn có ý nghĩa tương tự, kể cả việc sử dụng ký hiệu “P” hoặc “Patent” (chỉ dẫn về việc sản phẩm, hàng hóa được sản xuất theo sáng chế được bảo hộ). Trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu “P” hoặc “Patent” mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
- Các hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại điểm b khoản 6 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP) (hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên hàng hóa, bao bì hàng hóa; chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) được hiểu như sau:
+ Hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên hàng hóa, bao bì hàng hóa là việc nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu từ chủ thể quyền và sử dụng nhãn hiệu đó trên hàng hóa, bao bì hàng hóa nhưng không được thể hiện dưới hình thức hợp đồng có đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Văn bản chấp thuận, Thư đồng ý hoặc các văn bản tương tự của chủ thể quyền với nội dung cho phép một bên sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ mà không có đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì không được coi là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu;
+ Hành vi chỉ dẫn sai là hành vi ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa cụm từ “được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của…” hoặc chỉ dẫn có nghĩa tương tự bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người sử dụng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Có hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp giữa các bên nhưng thông tin như tên hoặc số hợp đồng trong nội dung chỉ dẫn không chính xác.
+ Hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
So với quy định trước đây tại Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN, quy định trên đã có một số điểm mới như sau:
- Thứ nhất, quy định trên đã đặt ra một trường hợp ngoại lệ cho hành vi chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2013/NĐ-CP là trong trường hợp trên hàng hóa, bao bì hàng hóa sử dụng ký hiệu “®”, “P” hoặc “Patent” mà trên hàng hóa, bao bì hàng hóa (bao gồm nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu) có chỉ dẫn thông tin trung thực về tình trạng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam thì không bị coi là hành vi vi phạm.
- Thứ hai, bổ sung thêm hành vi nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu được chuyển quyền trên hàng hóa, bao bì hàng hóa. Theo quy định trên thì hành vi này được hiểu là việc nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu từ chủ thể quyền và sử dụng nhãn hiệu đó trên hàng hóa, bao bì hàng hóa nhưng không được thể hiện dưới hình thức hợp đồng có đầy đủ các nội dung theo luật định. Ngoài ra các Văn bản chấp thuận, Thư đồng ý hoặc các văn bản tương tự của chủ thể quyền với nội dung cho phép một bên sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ mà không có đầy đủ các nội dung luật định thì sẽ không được coi là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.
- Thứ ba, quy định cụ thể hai trường hợp được xem là hành vi chỉ dẫn sai. Theo đó có hai trường hợp được xem là hành vi chỉ dẫn sai bao gồm người sử dụng chưa được chuyển quyền sử dụng hợp pháp đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc có hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp giữa các bên nhưng thông tin như tên hoặc số hợp đồng trong nội dung chỉ dẫn không chính xác.
- Thứ tư, mở rộng phạm vi của hành vi không ghi chỉ dẫn. Trước đây Điều 7 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN chỉ quy định hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, tuy nhiên Thông tư 06/2024/TT-BKHCN sắp có hiệu lực lại mở rộng phạm vi và quy định hành vi không ghi chỉ dẫn là hành vi không ghi trên hàng hóa, bao bì hàng hóa chỉ dẫn về việc sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.
Trên đây là một số điểm mới về các hành vi vi phạm về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cần lưu ý trong Thông tư 06/2024/TT-BKHCN có hiệu lực vào ngày 15/11/2024.